Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 12/1 công bố bản Phúc trình toàn cầu 2023 và nhận định rằng trong năm 2022 chính quyền Việt Nam ngoài chính sách đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền, năm qua đã gia tăng đàn áp tới các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước.
“Năm 2022 chính sách đàn áp triệt để các nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến của chính quyền Việt Nam đã lan tới cả các nhà lãnh đạo môi trường dòng chính và các tổ chức quốc tế”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Á châu của HRW nói.
Dẫn chứng Nghị định về việc đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mà Việt Nam đưa ra vào tháng 8/2022, HRW cho rằng nghị định bao gồm những quy định “chung chung” trong khi những quy định này mang tính quyết định việc chấm dứt hay cho phép một tổ chức phi chính phủ hoạt động.
Chẳng hạn, quy định về việc các tổ chức phi chính phủ quốc tế không được làm các việc “không phù hợp với lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội” và “trái với đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” của Việt Nam. HRW cho rằng các thuật ngữ trong quy định trên không hề được định nghĩa, giải thích hay phụ chú gì nhưng nếu một tổ chức nào bị coi là vi phạm các điều khoản này thì sẽ bị chấm dứt hoạt động.
Phúc trình dài 712 trang của HRW đánh giá tình trạng đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn tiếp diễn mà không hề thuyên giảm trong năm qua.
Theo HRW, Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, các tòa án tại Việt Nam đã kết tội ít nhất là 35 người và tuyên án họ với những mức án tù nặng nề “chỉ vì họ lên tiếng phê phán chính quyền và vận động cho nhân quyền, môi trường hoặc dân chủ”, trong số này có nhà báo công dân Lê Văn Dũng, nhà hoạt động Đinh Văn Hải và blogger Bùi Văn Thuận, và công an Việt Nam hiện đang tạm giữ ít nhất là 17 người chưa xét xử với các cáo buộc mang động cơ chính trị, trong đó có các nhà bảo vệ nhân quyền Trần Văn Bang, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Lân Thắng, và Bùi Tuấn Lâm, theo HRW.
Dẫn chứng các vụ xét xử đối với nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách, nhà hoạt động truyền thông về môi trường Bạch Hùng Dương và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh – người đã được trao giải thưởng quốc tế về môi trường Goldman năm 2018, HRW cho rằng chính quyền Việt Nam đang ngày càng đàn áp mạnh tay hơn đối với các nhà hoạt động, sử dụng các cáo buộc tội danh mang động cơ chính trị như trốn thuế, rồi áp đặt các án tù nặng nề trên họ.
Tình trạng chính quyền áp đặt kiểm soát nghiêm ngặt truyền thông, cấm các kênh báo chí độc lập hoặc thuộc sở hữu tư nhân hoạt động, chặn truy cập mạng, đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ thông tin hay các tài khoản mạng xã hội bị cho là trái ý về chính trị cũng được nêu lên trong phúc trình của HRW.
Tổ chức nhân quyền quốc tế còn ghi nhận tình trạng kiểm soát và cấm xuất cảnh đối với những người bất đồng chính kiến như trường hợp cấm luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình ông rời Việt Nam đi Mỹ với lý do an ninh quốc gia vào tháng 8/2022, và nhiều trường hợp khác như Linh mục Trương Hoàng Vũ, Y Sĩ Êban, Y Khiu Niê, và bà Nguyễn Xuân Mai.
Ngoài ra, phúc trình của HRW cũng đề cập đến sự kiện công an Việt Nam can thiệp không cho những người ủng hộ tham gia và ép buộc huỷ bỏ một sự kiện gây quỹ từ thiện do cộng đồng người Ukraine ở Hà Nội tổ chức vào tháng 3/2022 nhằm giúp đỡ cho các nạn nhân chiến tranh tại quê nhà của họ.
Phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được thực hiện hằng năm nhằm đánh giá tình hình nhân quyền của gần 100 quốc gia trên toàn cầu.
Đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi các nhà tài trợ và các đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam hãy lên tiếng để phản đối cách hành xử vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền.
Giới thiệu phúc trình, Quyền Giám đốc Điều hành của HRW, bà Tirana Hassan, nói rằng trong một thế giới mà quyền lực đã thay đổi, việc bảo vệ nhân quyền không thể cứ mãi chỉ dựa vào một nhóm nhỏ các chính phủ chủ yếu ở khu vực phía bắc bán cầu.
“Việc thế giới huy động xung quanh cuộc chiến của Nga ở Ukraine cho ta thấy được tiềm năng phi thường khi các chính phủ thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của họ trên phạm vi toàn cầu. Trách nhiệm của từng quốc gia, lớn cũng như nhỏ, là phải áp dụng khuôn khổ nhân quyền vào các chính sách của mình, và cùng làm với nhau trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”, lãnh đạo của HRW nói thêm.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Thanks!