Hàng trăm người đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư do các luật sư thảo ra để yêu cầu các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét và điều tra lại các vụ án mà họ cho là oan sai đối với các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, trong đó ông Mạnh đã bị hành quyết.
Đây là những vụ án được chú ý nhiều nhất trong những năm trở lại đây bởi việc xét xử mà các luật sư cho là còn có nhiều “sai sót” và sự phản đối từ gia đình của các tử tù này. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và cả đại diện Liên Hợp Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam điều tra xét xử lại ba vụ án mà họ nói là có dấu hiệu oan sai.
Bất chấp sự phản đối của nhiều nước phương Tây và người dân trong nước, chính quyền Việt Nam đã hành quyết ông Mạnh vào ngày 22/9 trong lúc gia đình vẫn đang đi kêu oan cho ông. Một báo cáo viên đặc biệt của LHQ hồi đầu tháng 10 nói ông “bàng hoàng” và “thất vọng” trước việc chính phủ Việt Nam hành quyết ông Mạnh.
Giống như ông Hải và ông Chưởng, ông Mạnh bị buộc tội giết người và bị kết án tử hình chỉ với những lời thú nhận tội mà sau đó ông đã rút lại với lý do đã bị buộc phải nhận tội do tra tấn và nhục hình. Ông Mạnh bị giam giữ hơn 18 năm trước khi bị hành quyết. Còn ông Chưởng và ông Hải cũng đang bị giam giữ hơn 10 năm qua và đang chờ ngày thi hành án.
“Các Luật sư và gia đình các bị án đã gửi nhiều Kiến nghị, Tâm thư và đưa ra nhiều tài liệu chứng cứ chứng minh việc khởi tố, truy tố, xét xử và kết án tử hình đối với cả 03 tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh là không khách quan, thiếu thuyết phục, nhiều tài liệu chứng cứ mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ”, Luật sư Lê Văn Hòa, người đang tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng, viết trong thỉnh nguyện thư hiện đã được 365 người ký tên tính đến ngày 6/11.
Ông Chưởng bị cáo buộc là chủ mưu và tham gia chém giết thiếu tá cảnh sát Nguyễn Văn Sinh “nhằm cướp tài sản” và bị Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng kết án tử hình vào năm 2008.
Gia đình ông Chưởng hôm 4/8 nhận được thông báo về việc Tòa đã ra quyết định tiến hành tử hình ông nhưng không được biết ngày thi hành án. Ông Chinh đã đi kêu oan cho con trai tử tù của mình trong hơn 16 năm qua.
Cùng với nhiều tiếng nói từ cộng đồng quốc tế, Văn phòng Nhân quyền LHQ hồi tháng 8 nói rằng họ “rất quan ngại trước các thông tin về việc Việt Nam sắp xử tử ông Nguyễn Văn Chưởng giữa những cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm xét xử công bằng”.
Nói về vụ của ông Chưởng, LS Hòa, người từng có hàng chục năm làm việc trong ngành công an và Ban Nội chính Trung ương trước khi hành nghề luật, nêu ra trong thỉnh nguyện thư rằng có “vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong việc bảo vệ hiện trường”, việc thu giữ và quản lý vật chứng “rất tùy tiện”, khám nghiệm hiện trường “sơ sài, bỏ lọt nhiều vật chứng quan trọng”, và đặc biệt ông Chưởng “có chứng cứ ngoại phạm nhưng không được điều tra làm rõ”.
Ông Chinh nói với VOA rằng con trai ông ở Hải Dương tại thời điểm vụ án xảy ra ở Hải Phòng ngày 14/7/2007.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã nghi ngờ tính khách quan của bản án phúc thẩm đối với ông Chưởng nhưng Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa đã bác kháng nghị này.
Còn trong vụ án Hồ Duy Hải, thỉnh nguyện thư nói rằng có “dấu hiệu hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án” như “rút bớt các tài liệu quan trọng và không sử dụng những kết quả kiểm tra xác minh có lợi cho Hồ Duy Hải”.
Ông Hải bị buộc tội giết chết hai phụ nữ ở tỉnh Long An vào năm 2008. Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt bị cáo này mức án tử hình, song ông Hải và gia đình kêu oan. Hàng nghìn người trên khắp thế giới cũng đã từng kiến nghị đòi công lý cho ông hồi tháng 5/2020.
Thỉnh nguyện thư còn kiến nghị cho vụ án của Lê Văn Mạnh, người đã bị thi hành án vì bị kết tội giết và hãm hiếp một em gái vị thành niên ở Thanh Hóa vào năm 2005. Trong 7 phiên tòa xét xử, ông Mạnh đều nói mình không giết người. Mẹ của ông, bà Nguyễn Thị Việt, nói với VOA rằng con trai bà cùng bà đi chuyển nhà cho em gái vào thời điểm án mạng xảy ra nên không thể là kẻ giết người.
LS Hòa thắc mắc trong thỉnh nguyện thư về việc tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thanh Hóa lại phải vội vã thực thi Bản án tử hình đối với Mạnh đến như vậy.
“Phải chăng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thanh Hóa sợ vụ án bị lật lại, nếu không thể chứng minh Lê Văn Mạnh có tội một cách thuyết phục, thì họ phải bị xử lý nghiêm khắc của pháp luật”, thỉnh nguyện thư viết.
Ngoài Tổng bí thư Trọng và Chủ tịch Thưởng, thỉnh nguyện thư còn đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và các đại biểu quốc hội “quan tâm xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngay lập tức tiến hành các thủ tục đặc biệt để giải quyết dứt điểm 3 vụ án nêu trên”.
“Tôi thấy rằng các cơ quan tố tụng tiến hành vụ án Nguyễn Văn Chưởng nói riêng và các vụ án Hồ Duy Hải và Lê Văn Mạnh (nói chung) đều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng”, LS Hòa, người đã dừng hành nghề luật từ năm 2021 “vì mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”, nói với VOA.
“Vụ án đối với sinh mệnh con người, đặc biệt là họ bị kết án tử hình mà có dấu hiệu oan sai thì điều đó rất là nghiêm trọng và xuất phát từ động cơ đó nên tôi luôn có kiến nghị để hy vọng các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Quốc hội Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ các oan sai đối với họ”, vẫn lời ông.
LS Hòa cho biết ông sẽ gửi thỉnh nguyện thư tới ông Trọng, ông Thưởng và các cơ quan công quyền khi có 500 người ký ủng hộ để kiến nghị tạm dừng thi hành án vô thời hạn ông Chưởng và ông Hải trong khi giải quyết hậu quả việc truy tố kết tội oan cũng như xử lý theo pháp luật đối với các cá nhân người tiến hành tố tụng trực tiếp thụ lý giải quyết các vụ án oan này nếu không chứng minh được họ có tội.
VOA đã nhiều lần gửi đề nghị bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam về những phản đối của các gia đình, các luật sư và các tổ chức quốc tế đối với việc kết án và thi hành án các tử tù này nhưng không được hồi âm.
Ông Lê Văn Cường, em trai ông Mạnh, cho VOA biết việc xin chữ ký của tất cả mọi người trong và ngoài nước của LS Hoà để gửi thư thỉnh nguyện tới tổng bí thư, chủ tịch nước và các cơ quan công quyền là “hết sức cần thiết”.
“Vụ án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải cũng đang trong tình trạng giống như của anh trai tôi (Lê Văn Mạnh) nếu không được cộng đồng mạng, những người yêu công lý trong và ngoài nước lên tiếng giúp đỡ thì cũng có thể họ sẽ bị công an, toà án và Viện Kiểm sát âm thầm giết chết như anh trai tôi vậy”, ông Cường nói. “Yêu cầu toà án Nhân dân tối cao hủy hồ sơ điều tra lại cả 3 vụ án trên”.
Còn theo LS Trần Anh Tùng, người cũng ký tên trong thỉnh nguyện thư, sẽ không có cơ hội để sửa chữa những sai sót sau khi thi hành án tử hình và tất cả mọi người cần phải lên tiếng trước khi quá muộn.
“Cái đó rất là đáng sợ,” LS Tùng, thuộc đoàn Luật sư TPHCM, nói với VOA. “Với tình trạng như thế này, tất cả mọi người cần phải đồng thanh để lên tiếng vì biết đâu đó một ngày nào đó án oan mắc vào gia đình mình. Mọi người cần phải có ý thức về việc đó. Khi mình thấy trường hợp có vấn đề mà không lên tiếng thì đến lúc gia đình mình mà (gặp án oan) thì ai lên tiếng.”
Ông Chinh, bố ông Chưởng nói với VOA rằng ông hy vọng thỉnh nguyện thư “có nhiều người biết và sẽ tới tai mắt người có tâm đức” để cứu con ông cũng như các tử tù khác.
Nguồn: VOA Tiếng Việt