Chính quyền Đăk Lăk vừa câu lưu và thẩm vấn bốn tín đồ Tin lành độc lập trong suốt gần 5 ngày liền vào tuần trước, đồng thời cưỡng ép họ từ bỏ đức tin của mình.
Ông Y Thinh Niê, một trong những người bị câu lưu, nói với VOA hôm 8/11:
“Ngày 31/10/2023 họ câu lưu tôi vì vấn đề tôn giáo. Họ không cho chúng tôi sinh hoạt tôn giáo độc lập, yêu cầu chúng tôi gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt Nam hoặc các nhóm khác mà nhà nước đã công nhận. Chúng tôi khăng khăng rằng chúng tôi không muốn đi với Hội thánh đó, mà chỉ muốn sinh hoạt tư gia độc lập”.
“Họ thẩm vấn tôi trong 5 ngày liền”, ông Y Thinh Niê nói thêm, đồng thời cho biết bốn người được cho về nhà vào ngày 4/11.
Từ Thái Lan, ông Y Quynh Buon Dap, thành viên của tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), cho VOA biết thêm về việc câu lưu này:
“Từ hôm 31/10, công an gọi mời làm việc tại trụ sở công an huyện Cư M’gar bốn người bao gồm ông Y Phúc Nie, ông Y Nuer Buôn Đáp ở thôn Ea Măp, thị trấn Ea Pốk; ông Y Thinh Nie ở buôn Drai Si, xã Êa Tar; và ông Y Cung Niê ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê. Tất cả những người này thuộc huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk”.
Ông Y Thinh Niê nói thêm rằng các tín đồ bị công an huyện thẩm vấn và yêu cầu họ từ bỏ việc thực hành đức tin tại gia, kể cả việc theo học khóa học xã hội dân sự trực tuyến, cũng như phải thôi tổ chức các ngày lễ bao gồm Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành vi Bạo lực vì lí do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (22/8) hay ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12).
“Họ nói rằng học dân sự: ‘không cho phép’. Nếu tiếp tục học dân sự sẽ bị phạt”.
“Tôi nói rằng việc tổ chức ngày 22/8 và ngày 10/12, là một người dân chúng tôi bày tỏ niềm tin của chúng tôi thì tại sao các anh lại nghiêm cấm. Họ nói: ‘Không được lên hình ảnh. Nếu chúng tôi phát hiện tiếp tục lên hình ảnh đó thì sẽ phạt đi vào tù’. Họ nói với tôi: ‘Lần này là lần cuối cùng!’”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và chính quyền huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, đề nghị họ cho ý kiến về việc câu lưu và thẩm vấn này, nhưng chưa được phản hồi.
Tổ chức MSFJ lên án việc “giam giữ tùy tiện” này, đồng thời yêu cầu chính phủ Việt Nam chấm dứt chính sách đàn áp tôn giáo đối với người Thượng.
Chính phủ các nước phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, và các tổ chức quốc tế nhiều lần lên tiếng về việc chính quyền sách nhiễu các gia đình người Thượng ở Đăk Lăk và một số tỉnh Tây Nguyên theo đạo Tin lành độc lập vì họ không tham gia vào các tổ chức tôn giáo được nhà nước hậu thuẫn.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn lên tiếng bác bỏ cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, nói rằng Việt Nam “đóng góp tích cực bảo đảm quyền tự do tôn giáo”, đồng thời cho rằng các vấn đề quyền con người và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đang ngày càng bị “các thế lực thù địch” ở nước ngoài sử dụng thành những thủ đoạn chống phá.
Vào tháng 10/2023, báo Nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo; người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt