Hôm 30/1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2023. Trong đó, Việt Nam đạt 41/100 điểm và xếp hạng 83/180 toàn cầu, như vậy, đã bị giảm điểm, tụt hạng so với một năm trước.
Chỉ số CPI của Việt Nam năm 2022 là 42/100 điểm và đứng thứ 77/180 nước được xếp hạng, nằm trong số các nước vẫn có nhiều tham nhũng.
Nhưng nhìn chung, TI nhận thấy rằng từ 2015 đến nay chỉ số CPI của Việt Nam tăng lên 10 điểm, vượt cả Trung Quốc (42/100) chỉ tăng 6 điểm từ năm 2014.
Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) là bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Theo các chuyên gia và doanh nhân, chỉ số này đo lường mức độ tham nhũng trong khu vực công của mỗi quốc gia.
Tuy về mặt thống kê, việc giảm điểm này của Việt Nam được xem là không đáng kể, nhưng, xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn bị xem là “rất nghiêm trọng”, theo TI.
Ngoài ra, tổ chức TI – một phong trào toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia nhằm chấm dứt sự bất công của tham nhũng – nhận xét rằng quyền tự do ngôn luận bị cản trở ở Việt Nam có thể làm hỏng chiến dịch bài trừ tham nhũng của nước này.
“Tại Việt Nam (41 điểm), một chiến dịch chống tham nhũng nổi tiếng đầy hứa hẹn đang bị phá hoại do tiếp tục hạn chế những tiếng nói phản biện, có thể cản trở tính bền vững của những nỗ lực đó”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về chỉ số CPI 2023 và nhận định trên của TI, nhưng chưa được phản hồi.
Hàng năm TI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công.
Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia châu Á khác có điểm CPI thấp bao gồm Triều Tiên (17), Myanmar (20), Tajikistan (20), Campuchia (22) và Uzbekistan (33).
Nguồn: VOA Tiếng Việt