Giới quan sát nhận định với VOA rằng những biến động tại Việt Nam cho thấy có nhiều khả năng đương kim Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ phải từ chức chỉ sau hơn một năm lên nắm quyền.
Quốc hội Việt Nam dự kiến họp vào ngày 21/3 sắp tới để thảo luận về những “vấn đề nhân sự” giữa lúc có những lời đồn đoán về khả năng biến động ở lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước do Đảng Cộng sản nhắm quyền.
Như VOA đưa tin hôm 18/3, một bản sao bức thư gửi các đại biểu Quốc hội, mà VOA xem được, viết rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội “quyết định triệu tập” kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV “để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Theo bức thư được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký gửi các đại biểu, phiên họp bất thường sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội ở Hà Nội sáng ngày 21/3.
Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài, người quan sát tình hình nội chính Việt Nam, chia sẻ với VOA về các quan sát của ông:
“Các nguồn tin từ trong nước cho biết ông Võ Văn Thưởng đã chính thức nộp đơn từ chức bởi vì những lời khai của ông Nguyễn Văn Hậu có liên quan đến ông”.
Trong những ngày qua, Bộ Công an đã bắt giam một số quan chức chính quyền ở Vĩnh Phúc, Vĩnh Long và Quảng Ngãi, với cáo buộc “nhận hối lộ” qua lời khai của ông Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, với cáo buộc “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” tại công ty này và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long.
Trong số các quan chức bị bắt về tội nhận hối lộ có cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa và chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh, cả hai đều thuộc cấp của ông Thưởng khi ông Thưởng là Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh này từ năm 2011-2014.
Hôm 18/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Minh và ông Khoa, cũng đồng thời đề nghị biện pháp tương tự đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Trước đó, hôm 9/3, trong một động thái mà giới quan sát xem là một thông điệp ngầm gửi ông Thưởng, Bộ Công an Việt Nam “kêu gọi các đối tượng liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn ra đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật”.
“Nguồn tin cho biết rằng hôm 14/3 ông Võ Văn Thưởng đã chính thức nộp đơn từ chức”, nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức, chia sẻ với VOA.
Cùng với một diễn biến khác được giới quan sát xem là “bất thường” và “chưa có tiền lệ” là việc Hoàng gia Hà Lan hôm 15/3 hoãn chuyến thăm Hà Nội theo đề nghị của chính quyền Việt Nam. Trong kế hoạch ban đầu, chuyến thăm dự kiến diễn ra từ ngày 19-22 tháng 3.
Chuyến thăm cấp nhà nước được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời nhưng phải hoãn vì lý do “tình hình trong nước” là điều mà giới quan sát cho rằng không thể chấp nhận được và đã làm giảm uy tín của lãnh đạo Hà Nội.
Gert’s Royals, một blogger chuyên viết về các câu chuyện hoàng gia ở châu Âu, hôm 18/3, viết trên trang X, trước đây là Twitter: “Về việc chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam bị hủy bỏ trong tuần này, có vẻ như chúng ta đã biết phần nào lý do. Quốc hội Việt Nam đã được yêu cầu tổ chức một phiên họp đặc biệt vào thứ Năm [21/3] để giải quyết các ‘vấn đề nhân sự’ không được nêu rõ. Có tin đồn Chủ tịch Võ Văn Thưởng từ chức”.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ xác nhận thông tin ông Võ Văn Thưởng nộp đơn từ chức, nhưng chưa được phản hồi.
Khi loan tin về bức thư triệu tập cuộc họp bất thường của Quốc hội, Reuters hôm 18/3 cũng dường như phản ánh những tin về một sự thay đổi lãnh đạo lớn đang chờ xử lý, trích lời “nhiều quan chức và nhà ngoại giao Việt Nam” nói rằng việc ông Võ Văn Thưởng từ chức “có thể là một trong những vấn đề nhân sự mà Quốc hội sẽ thảo luận”.
Trang Stratfor hôm 18/3 dẫn lời các quan chức Việt Nam không nêu tên loan tin rằng Chủ tịch Võ Văn Thưởng “có thể từ chức trong phiên họp sắp tới, dù thông tin này chưa được xác nhận”.
Trang này nhận định rằng hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc ông Thưởng từ chức, nhưng về mặt chính thức rất có thể là do các vụ tham nhũng gần đây ở cấp tỉnh, lý do tương tự dẫn đến việc vị chủ tịch nước tiền nhiệm của ông Thưởng đã bị buộc phải từ chức vào năm 2023.
“Việc ông Thưởng từ chức vì các vụ tham nhũng này sẽ chứng tỏ rằng chiến dịch chống tham nhũng ‘đốt lò’ của Việt Nam có thể đe dọa bất kỳ chính trị gia nào, thậm chí cả những nhân vật tận tụy với Đảng như ông Thưởng”, trang Stratfor viết.
“Ông Thưởng dường như đã được chuẩn bị để tại vị lâu hơn trong số 4 vị trí lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam và lọt vào danh sách ứng cử viên cho chức tổng bí thư thay thế ông Nguyễn Phú Trọng già nua vào năm 2026. Thế rồi hồi đầu tháng này các lãnh đạo đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi đã bị bắt ngay từ đầu vụ án về vụ bê bối tham nhũng”.
Trong khi đó trang The Diplomat hôm 18/3 dẫn lời giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia viết rằng ông Thưởng được cho là một đồng minh thân cận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ông là một quan chức trong đảng và là thành viên đáng tin cậy trong vòng thân cận của Tổng Bí thư Trọng”.
Ông Võ Văn Thưởng, 53 tuổi, giữ chức Chủ tịch nước vừa mới hơn một năm. Dù chức vụ này giữ vai trò mang tính nghi lễ nhưng là vị trí có biến động nhiều nhất trong 4 vị trí lãnh đạo then chốt của Hà Nội hay còn gọi là “tứ trụ” trong vòng 5 năm trở lại đây.
Hồi tháng 3/2023, Quốc hội Việt Nam cũng đã triệu tập một cuộc họp bất thường để chấp nhận đơn xin thôi chức của Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, người đã xin nghỉ khi chưa hết nhiệm kỳ trong bối cảnh biến động chính trường chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam lúc đó.
Nguồn: VOA Tiếng Việt