Với cam kết của các chính phủ về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trái đất đang trên đà tăng nhiệt trung bình 2,8 độ C trong thế kỷ này, sau những tiến bộ không đủ để hạn chế tình trạng hâm nóng toàn cầu, theo một báo cáo của Liên hiệp quốc.
Các đại diện từ khắp nơi trên thế giới sẽ gặp nhau từ ngày 6-18/11 tại cuộc thảo luận về khí hậu COP27 ở Ai Cập để cố gắng đồng ý cam kết hạn chế tăng nhiệt dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và lý tưởng là 1,5 độ C.
Cho đến nay, các cam kết bổ sung kể từ hội nghị khí hậu của Liên hiệp quốc trước đó ở Scotland năm ngoái đã loại được 0,5 tỷ tấn khí thải nhà kính tương đương CO2, ít hơn 1% lượng phát thải toàn cầu ước tính vào năm 2030, báo cáo hàng năm của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho thấy hôm 27/10.
Trừ khi được tăng cường, những lời hứa cho đến nay có thể sẽ dẫn đến nhiệt độ tăng 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này, cao hơn 0,1 độ C so với ước tính năm ngoái.
Trong khi các quốc gia tìm cách cải thiện vấn đề, một số nước đề nghị các hành động tiếp theo với điều kiện phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính và kỹ thuật quốc tế. Báo cáo cho biết những cam kết “có điều kiện” này, nếu được thực hiện đầy đủ, có thể làm giảm sự hâm nóng xuống mức tăng 2,4 độ C, trong khi các cam kết vô điều kiện có thể dẫn đến mức tăng 2,6 độ C, báo cáo cho biết.
Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Chúng ta vẫn chưa tới đâu để có thể cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (đến mức cần thiết).”
“Nhưng chúng ta phải cố gắng. Mỗi phần nhỏ của một độ đều quan trọng”, bà nói.
Lượng phát thải toàn cầu vào năm 2030 ước tính là 58 tỷ tấn CO2 dựa trên các chính sách hiện hành. Chênh lệch giữa các cam kết với việc kìm chế được sự tăng nhiệt ở mức 2 độ C là 15 tỷ tấn CO2 một năm và đối với mức 1,5 độ C là 23 tỷ tấn CO2 một năm.
Để đạt được 1,5 độ C, lượng phát thải hàng năm phải giảm 45% so với dự báo phát thải theo các chính sách hiện hành chỉ trong 8 năm và việc chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu sang khí thải các-bon thấp sẽ đòi hỏi đầu tư ít nhất 4 – 6 nghìn tỷ đô la một năm, báo cáo cho biết.
“Chúng ta đang đứng trước một thảm họa toàn cầu. Phải lấp đầy khoảng trống chênh lệch, bắt đầu từ COP27 ở Ai Cập”, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, cho biết.
Theo một báo cáo riêng biệt của Liên hiệp quốc hồi đầu tuần phân tích các cam kết mới nhất mà các nước đệ trình, có thể trái đất sẽ tăng nhiệt 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Ngày 26/10, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết nồng độ khí nhà kính đã tăng ở mức cao hơn mức trung bình so với mức kỷ lục vào năm ngoái.
VOA