Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Ký giả lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam vì đã kết tội nhà hoạt động và blogger nổi danh Nguyễn Chí Tuyến bằng bản án nhiều năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, và kêu gọi chính quyền trả tự do cho blogger này.
Ông Tuyến bị kết án 5 năm tù theo Điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam hôm 15/8 trong một phiên tòa ở Hà Nội mà Luật sư Lê Đình Việt, một trong 4 người bào chữa cho ông, cho biết nhà hoạt động này khẳng định ông chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận và biểu đạt ý kiến của mình nên “không phạm tội.”
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 16/8, phái đoàn EU tại Việt Nam nói rằng ông Tuyến “là một nhà hoạt động nhân quyền, người đã bình luận một cách ôn hòa trên mạng xã hội về các vấn đề xã hội và chính trị.”
Ông Tuyến, người đồng sáng lập câu lạc bộ bóng đá No-U phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đã viết và bình luận về các vấn đề chính trị xã hội của Việt Nam trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình. Theo LS Việt, tòa án kết tội ông Tuyến “tuyên truyền chống nhà nước” khi dựa vào 2 video clip mà ông làm, trong đó nhà hoạt động này bày tỏ quan điểm đồng tình với việc thực hiện chính sách đa nguyên, đa đảng để kiểm soát quyền lực và giám sát trong phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Phái đoàn EU cho biết rằng đại diện của họ đã không được tham dự phiên tòa hôm 15/8.
“Chúng tôi lấy làm tiếc rằng Việt Nam, một lần nữa, đã không phản hồi các yêu cầu được quan sát phiên tòa mà một phái bộ ngoại giao được công nhận ở Hà Nội đệ trình,” tuyên bố của phái đoàn EU nói.
Phái đoàn ngoại giao đại diện 27 thành viên của Liên minh châu Âu nhắc nhở Việt Nam rằng quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền này “là thành viên của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị từ năm 1982 cũng như công nhận quyền tự do ngôn luận.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đây nói rằng Việt Nam có tự do ngôn luận và đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của các tổ chức nhân quyền quốc tế rằng họ nhắm vào những tiếng nói bất đồng chính kiến và rằng họ chỉ truy tố những người vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, CPJ, tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên cổ vũ cho tự do báo chí và bảo vệ các nhà báo có trụ sở tại New York, nói trong một tuyên bố đưa ra ngay sau khi ông Tuyến bị tuyên án hôm 15/8 rằng nhà hoạt động và YouTuber nổi danh này bị kết tội chỉ vì làm công việc như một nhà báo là đưa tin tức.
“Bản án đối với Nguyễn Chí Tuyến là hành động vi phạm mới nhất chống lại nền báo chí tự do của Việt Nam và cần phải được hủy bỏ ngay lập tức,” ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á nói trong tuyên bố. “Chiến dịch không ngừng nghỉ của Việt Nam nhằm làm im lặng các nhà báo phải dừng lại ngay bây giờ.”
Theo đánh giá của CPJ, kên YouTube AC Media của ông Tuyến, tập trung vào cuộc chiến tranh Ukraine, có khoảng 57.00 người theo dõi trong khi kênh YouTube Anh Chí Râu Đen của ông có 98.000 người đăng ký. Ông Tuyến sử dụng các kênh truyền thông xã hội này để đưa tin và bình luận.
Phái đoàn EU nói rằng quyền tự do ngôn luận và biểu đạt – cả trên không gian mạng – là những trụ cột cơ bản của nền dân chủ cũng như đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo tính minh bạch, công bằng xã hội, và phát triển bền vững cũng như thịnh vượng lâu dài. Các nhà ngoại giao đại diện EU cũng bày tỏ “mong muốn chính quyền Việt Nam trả tự do cho Nguyễn Chí Tuyến.”
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam về những lời kêu gọi của phái đoàn EU tại Việt Nam và CPJ.
Theo thống kê mới nhất của CPJ về việc giam giữ các nhà báo trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia giam giữ nhà báo tồi tệ thứ 5 trên thế giới, với ít nhất 19 người thực hiện công việc này bị giam sau song sắt tính đến ngày 1/12/2023.
Nguồn: VOA Tiếng Việt