Thảm sát Mỹ Lai sau 55 năm: Trả lại ‘sự thật lịch sử’ cho bức ảnh gây tranh cãi – Scoop

Một bảo tàng chứng tích ở Quảng Ngãi đã đồng ý sửa lại chú thích cho tấm ảnh gây tranh cãi trong nhiều năm qua cũng như công nhận tác quyền các bức ảnh của phóng viên chiến trường Mỹ Ronald Haeberle về vụ thảm sát ở làng Mỹ Lai trong Chiến tranh Việt Nam để được trưng bày vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày diễn ra sự kiện lịch sử này.

Thỏa thuận vừa đạt được chấm dứt hơn một thập kỷ tranh cãi giữa ông Haeberle, người đầu tiên đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra công chúng Mỹ qua ảnh, và Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ, nơi đã trưng bày hàng chục bức ảnh của phóng viên chiến trường Mỹ mà không có tên tác giả hay nguồn ảnh cũng như chú thích sai sự thật về một trong những bức ảnh đó.

Ông Haeberle, nay 83 tuổi, là phóng viên của quân đội Mỹ chứng kiến và chụp những bức ảnh thường dân Việt Nam bị giết hại trong đợt càn quét của binh lính Mỹ tại làng Mỹ Lai và Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê, ngày 16/3/1968. Phía Việt Nam cho rằng có 504 người dân bị sát hại trong khi phía Mỹ nói gần 350 người chết trong vụ thảm sát mà sau đó được đưa ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Ngoài những bức ảnh đen trắng chụp bằng máy của quân đội, ông Haeberle chụp 21 bức ảnh màu bằng máy riêng của mình và sau đó công bố ra công chúng lần đầu qua tạp chí Cleveland Plain Dealer vào tháng 11/1969. Vụ thảm sát được phơi bày qua những bức ảnh của ông đã làm cho phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ thêm mạnh mẽ trong thời gian đó.

Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ đã trưng bày các tấm ảnh của ông Haeberle, bao gồm cả những bức đen trắng mà ông chụp bằng máy do quân đội Mỹ cung cấp nay thuộc quyền sở hữu của công chúng và cả những tấm ảnh màu thuộc sở hữu riêng của ông Haeberle từ sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, các bức ảnh màu của ông Haeberle được trưng bày tại bảo tàng, thuộc Khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng năm 1976, mà không có lời nào ghi nhận tác quyền của ông.

Vào năm 2020, bảo tàng này đã phải ngừng trưng bày những bức ảnh của ông Haeberle sau khi ông định đưa chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế về vi phạm bản quyền. Khu Chứng tích Sơn Mỹ, thuộc quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, lúc đó thông báo “tạm thời đóng cửa nhà trưng bày”, một phần trong sự dàn xếp thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ, trong đó ông Haeberle đồng ý ngừng vụ kiện.

Trong nhiều năm kể từ 2011, ông Haeberle đã gặp mặt và yêu cầu quan chức tỉnh Quảng Ngãi cũng như Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ công nhận ông là người chụp và sở hữu những tấm ảnh đó cũng như dùng đúng chú thích cho một trong những bức ảnh của ông được trưng bày tại đây. Tuy nhiên ông, người phơi bày tội ác của binh lính Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai, bị họ từ chối giải quyết vụ việc và thậm chí còn bị “xỉ nhục và lăng mạ” qua một chiến dịch tấn công qua mạng xã hội.

Lúc đó chính phủ Việt Nam đã yêu cầu bảo tàng tháo gỡ các bức ảnh này xuống “cho tới khi đạt được một thỏa thuận cho phép trưng bày chúng một cách hợp pháp”.

Một bản bản thỏa thuận được ký kết giữa ông Haeberle và phía Việt Nam, gồm Giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cũng như có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn hôm 8/3.

Theo điều khoản và điều kiện của thỏa thuận mà VOA được xem, ông Haeberle “cho phép Các Bên Khu Chứng tích được sử dụng và sao chép một cách không độc quyền, không chuyển nhượng và không kèm bản quyền các bức ảnh màu của ông Haeberle chỉ duy nhất cho mục đích trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ ở Thành phố Quảng Ngãi”.

Bằng máy Nikon cá nhân, ông Haeberle chụp 21 tấm ảnh màu nhưng sau đó hủy bỏ hai tấm có “hình ảnh khuôn mặt của những binh lính Mỹ tham gia bắn giết” trong vụ thảm sát. Bốn mươi bức ảnh đen trắng được ông chụp bằng máy Leica do quân đội Mỹ cung cấp và hiện thuộc sở hữu công chúng nên không cần tác quyền.

Trước ngày ông Haeberle và tỉnh Quảng Ngãi đạt thỏa thuận, báo Thanh Niên đăng một bài viết với tiêu đề “Nhà chứng tích không còn ‘chứng tích’!” và đặt câu hỏi vì sao “toàn bộ phòng trưng bày của Nhà chứng tích Sơn Mỹ không còn bất cứ một tấm ảnh nào về vụ thảm sát” khi ngày 16/3 là kỷ niệm 55 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi Nguyễn Chí Thanh nói với VOA hôm 16/3 rằng toàn bộ những bức ảnh đã được trưng bày trở lại tại Nhà chứng tích sau khi đạt thỏa thuận với ông Haeberle.

Ông Haeberle cho VOA biết ông cho phép bảo tàng này trưng bày toàn bộ 19 bức ảnh màu của ông mà không phải trả tiền tác quyền với điều kiện thực hiện đúng các yêu cầu trong thỏa thuận gồm ghi nhận bản quyền đối với ông Haeberle và không được sử dụng cho mục đích khác ngoài việc trưng bày cho công chúng xem.

‘Sự thật lịch sử’

Thảm sát Mỹ Lai sau 55 năm: Trả lại ‘sự thật lịch sử’ cho bức ảnh gây tranh cãi
 – Scoop

Bức ảnh hai đứa trẻ được đổi lại chú thích thành “Đứa bé trai cố che đạn cho em gái” theo yêu cầu của ông Haeberle trong thỏa thuận ký kết hôm 8/3 với Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Trong thỏa thuận này, tỉnh Quảng Ngãi và bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ còn đồng ý “thừa nhận lịch sử” và “không giới thiệu hay trưng bày Bức ảnh Hai đứa trẻ hay bất kỳ bức ảnh màu nào của Haeberle với chú thích sai hoặc gây hiểu nhầm”. Theo đó, Khu chứng tích chấp nhận thay đổi chú thích cho bức ảnh “Hai đứa trẻ” đã gây tranh cãi trong nhiều năm qua.

Bức ảnh, nằm trong 19 tấm mà ông Haeberle chụp bằng máy cá nhân, cho thấy hai đứa trẻ che chở cho nhau khi nằm tránh đạn trên đường làng vào lúc một chiếc trực thăng của quân đội Mỹ bay qua ngày 16/3/1968. Ông Haeberle có mặt vào thời điểm đó và ghi lại được hình ảnh này, mà ban đầu ông không biết là hai anh em.

Bảo tàng Sơn Mỹ chú thích bức ảnh là hai bé trai và họ đã chết, nhưng thực ra ông Haeberle đã được hội ngộ với hai người mà ông cho là hai đứa trẻ trong ảnh, thực tế là anh trai Trần Văn Đức và em gái Trần Thị Hà, vào năm 2011.

Ông Đức, hiện là một thợ cơ khí sống ở Đức, từng cho VOA biết ông chính là đứa bé trai trong tấm ảnh, mà truyền thông Việt Nam nói là “gây xúc động và nhiều tranh cãi” cũng như có nhiều bằng chứng để chứng minh đó là sự thật. Ông Đức cho biết rằng ông, lúc đó 7 tuổi, lấy thân mình che đạn cho em gái, 14 tháng tuổi, khi thấy chiếc trực thăng của quân đội Mỹ mà ông mô tả chính xác với những gì ông Haeberle thấy tại thời điểm đó.

Theo đề xuất của ông Haeberle, tấm ảnh sẽ được trưng bày trở lại ở Bảo tàng Sơn Mỹ với chú thích mới có tên và tuổi của hai đứa trẻ, tức Trần Văn Đức và Trần Thị Hà.

“Nhưng (bảo tàng) từ chối về điều mà chúng tôi muốn đưa vào, là tên và tuổi (của hai đứa trẻ) và chúng tôi phải bỏ những thứ đó ra (khỏi chú thích mới) để tiến đến nhất trí với thỏa thuận”, ông Haeberle nói và cho biết ông chấp nhận thỏa hiệp vì muốn đưa các tấm ảnh của ông trở lại với công chúng Việt Nam.

Giải thích với VOA về lý do Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi từ chối thay đổi chú thích theo yêu cầu ban đầu của ông Haeberle là có cả tên và tuổi của hai đứa trẻ, ông Thanh nói rằng “không cho tên hai đứa (trẻ) vào được “ vì “nó không đúng với lịch sử”.

“(Ông Haeberle) là người phóng viên tham gia chiến trường đó thôi chứ làm sao (ông ấy) xác định được (đứa bé) đó bao nhiêu tuổi”, ông Thanh nói nhưng từ chối trả bình luận về thông tin ông Haeberle và ông Đức cùng mô tả đúng chiếc trực thăng của quân đội Mỹ tại thời điểm đó.

Một hội đồng khoa học của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TPHCM hồi năm 2019 đã kết luận rằng hai đứa trẻ trong bức ảnh do ông Haeberle chụp là ông Đức và em gái Hà. Bảo tàng này sau đó đã thay đổi nội dung chú thích với tên tuổi của hai anh em này cùng thông tin họ “còn đang sống.” Tuy nhiên, bảo tàng này sau đó đã bị Sở VH-TT-DL TPHCM yêu cầu hủy bỏ kết luận. Để tuân theo yêu cầu về quy định bản quyền của ông Haeberle, họ đã không trưng bày bức ảnh này kể từ đó.

Theo ông Phan Văn Đỗ, đại diện tổ chức phi chính phủ Madison Quakers Inc. có trụ sở ở Mỹ và là người trung gian thương lượng thỏa thuận giữa ông Haeberle và tỉnh Quảng Ngãi, lý do mà bảo tàng Sơn Mỹ không muốn đưa tên và tuổi của hai đứa trẻ vào chú thích ảnh là vì “những xung đột cá nhân”, trong đó có cựu giám đốc Ban Quản lý khu di tích Sơn Mỹ, ông Phạm Thành Công.

Ông Công từng tuyên bố ông là “nhân chứng vụ thảm sát Sơn Mỹ” dù bị ông Đức cho là “đi chăn bò ở một làng khác” tại thời điểm vụ thảm sát xảy ra. Trong khi ông Công cho là ông Đức, một “Việt Kiều về đây phá rối” thì ông Đức, người dành cả chục năm trời đi khiếu nại cho chú thích bức ảnh, cho rằng Bảo tàng Sơn Mỹ không chịu đính chính và còn “cố che giấu, bóp méo” sự thật.

Theo thỏa thuận, chú thích ảnh mới cho tấm ảnh này là “Đứa bé trai cố che đạn cho em gái”.

Khi được VOA hỏi liệu chú thích mới có làm hài lòng, ông Đức cho biết ông thấy nó “tạm ổn” nhưng cũng nói rằng “nếu Quảng Ngãi không dám chấp nhận sự thật lịch sử thì không nên trưng bày bức ảnh của anh em ông và mẹ ông – bà Nguyễn Thị Tẩu”.

Một trong những tấm hình trong loạt ảnh ông Haeberle chụp ngày diễn ra thảm sát Mỹ Lai có hình ảnh mẹ ông Đức nằm trên đường làng sau khi bị quân Mỹ sát hại. Theo ông Đức, Bảo tàng Sơn Mỹ luôn thuyết minh sai về mẹ ông, trong bức hình được xem là “tang thương nhất vụ thảm sát Mỹ Lai” nhưng không cho biết cụ thể vì sao.

Còn ông Haeberle cho rằng việc Bảo tàng Sơn Mỹ chấp nhận thay đổi chú thích, dù từ chối đưa tên và tuổi hai đứa bé như yêu cầu ban đầu của ông, là “một bước tiến tích cực” và ông sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc sau này.

Ông Haeberle nói ông “buộc phải đưa ra một giải pháp” để những tấm ảnh vụ Thảm sát Mỹ Lai được trưng bày vào dịp kỷ niệm 55 năm đánh dấu sự kiện này.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người biết được những gì đã xảy ra ngày hôm đó và hy vọng rằng nó sẽ không bao giờ tái diễn nữa”, ông Haeberle nói. “Nó là lịch sử, một phần của lịch sử”.

Quảng Ngãi công nhận tác quyền các bức ảnh của phóng viên Mỹ về vụ Mỹ Lai





please wait







No media source currently available






0:00

0:01:53












0:00


Nguồn: VOA Tiếng Việt

Related Posts

Máy bay Comac của Trung Quốc đứng trước triển vọng được Vietjet khai thác ở VN
 – Scoop

Máy bay Comac của Trung Quốc đứng trước triển vọng được Vietjet khai thác ở VN – Scoop

Tập đoàn sản xuất máy bay thương mại Comac thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đang hợp tác với hãng hàng không Vietjet để đưa…

Văn Bút Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn
 – Scoop

Văn Bút Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn – Scoop

Văn Bút Hoa Kỳ vừa kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, bãi bỏ mọi cáo…

Văn Bút Mỹ, giới hoạt động lên án phiên tòa xử ông Đường Văn Thái
 – Scoop

Văn Bút Mỹ, giới hoạt động lên án phiên tòa xử ông Đường Văn Thái – Scoop

Việc chính quyền Việt Nam tuyên án 12 năm tù và 3 năm quản chế đối với blogger Đường Văn Thái là “quá hà khắc”, giới hoạt…

Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
 – Scoop

Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa – Scoop

Giới hoạt động cho rằng việc các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong các văn bản chính thức gần đây xác nhận rằng người Thượng…

Giới quan sát: Ông Lương Cường được chia ghế chủ tịch nước sau áp lực ‘cân bằng quyền lực’
 – Scoop

Giới quan sát: Ông Lương Cường được chia ghế chủ tịch nước sau áp lực ‘cân bằng quyền lực’ – Scoop

Giới quan sát nhận định rằng việc ông Lương Cường, một tướng lĩnh trong quân đội, được bầu làm chủ tịch nước Việt Nam phản ánh một…

HRW: Việt Nam chớ hứa suông về nhân quyền
 – Scoop

HRW: Việt Nam chớ hứa suông về nhân quyền – Scoop

Hôm 10/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền đăng bài phát biểu của tổ chức này tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, lập luận rằng…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *