Trả lời thư chất vấn của các chuyên gia nhân quyền LHQ về việc bắt giữ tùy tiện đối với nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, chính quyền Việt Nam vừa cho biết: “Phạm Thị Đoan Trang không phải là nhà báo, và đã bị xét xử vì các hoạt động bất hợp pháp nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần, chứ không phải vì thực hiện quyền tự do báo chí của mình”.
Ngoài ra, chính quyền Việt Nam còn cáo buộc bà Phạm Đoan Trang “có âm mưu lật đổ chính quyền” thông qua việc “cấu kết với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài”.
“Các phương tiện truyền thông ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã phát hiện và đưa tin công khai về việc cá nhân này đã cấu kết với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhằm mục đích hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân (trong đó có Việt Tân)”, văn thư đề ngày 6/4 của đại diện chính phủ Việt Nam tại LHQ được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố hôm 16/4 có đoạn viết.
Thư phản hồi của chính quyền Việt Nam còn nói rằng nhà báo độc lập này xuất bản trái phép các ấn phẩm “có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cách tập hợp lực lượng, đối phó với lực lượng bảo vệ pháp luật… để tiến hành bạo loạn lật đổ Nhà nước”.
Từ Australia, nhà hoạt động nhân quyền Hoa Nguyễn, đồng thời là một người bạn của Phạm Đoan Trang, nêu nhận định với VOA hôm 25/4 về phản hồi của phía Việt Nam:
“Ở trong thư gửi này, những điều viết về Phạm Đoan Trang rất là sai sự thật. Và nó thể hiện một thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam là họ không cần quan tâm đến tất cả những liên lạc của LHQ.
“Trong thư này nảy ra những thông tin mà hoàn toàn không có trong phiên tòa: ví dụ như cáo buộc Phạm Đoan Trang “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “liên lạc với các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài, liên kết với cả Việt Tân.
“Tôi đọc và tôi hiểu rằng đây là một thái độ rất tiêu cực từ phía nhà cầm quyền Việt Nam”.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10/2020, và sau đó bị tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999.
Nhận định về việc chính quyền Việt Nam cho rằng bà Phạm Đoan Trang không phải là một nhà báo, bà Hoa Nguyễn nói:
“Ở trong này họ nói rằng Phạm Đoan Trang “không phải là một nhà báo, đã bị xét xử vì các hoạt động bất hợp pháp nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần” thì rất là buồn cười vì Phạm Đoan Trang đã nhận được rất nhiều giải thưởng về báo chí, bản thân chị ấy có 10 năm là nhà báo của cơ quan truyền thông nhà nước.
“Khi họ nói rằng “Phạm Đoan Trang không phải là một nhà báo” là một điều vô cùng lố bịch, bất chất dư luận, bất chấp dư luận trong nước luôn vì không ít người biết Phạm Đoan Trang là một nhà báo”.
Phía Việt Nam cho biết thêm bà Trang đang chấp hành án tại Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) với “Điều kiện giam giữ, quyền được gặp thân nhân và được khám chữa bệnh định kỳ được đảm bảo”.
Văn thư cho biết thêm: “Hiện tại, Bà Trang có đủ sức khỏe để chấp hành án”.
Trước đó, vào tháng 11/2022, các chuyên gia nhân quyền LHQ gửi văn thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc 18 nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà hoạt động bị cho là bị bắt giữ tùy tiện và tước đoạt tự do bởi nhà cầm quyền Việt Nam.
Các nhà bảo vệ nhân quyền này bao gồm Bùi Tuấn Lâm, Bùi Văn Thuận, Cấn Thị Thêu, Đặng Đăng Phước, Đinh Văn Hải, Đỗ Nam Trung, Lê Anh Hùng, Lê Chí Thành, Lê Trọng Hùng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thuý Hạnh, Trần Quốc Khánh, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Trương Châu Hữu Danh và Phạm Đoan Trang.
Nguồn: VOA Tiếng Việt