Từng là một tình nguyện viên quốc tế làm việc tại Trung tâm Chuyển tiếp Trẻ lai (ATC) từ năm 1992 do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Brian Hjort vẫn nặng lòng với những người con lai Mỹ và ông quyết tâm giúp họ tìm cội nguồn.
Vào tháng 8/2023, đứng trước cổng Trung tâm Chuyển tiếp Trẻ lai trên đường Hòa Bình, đối diện với khu du lịch Đầm Sen, nay là Trung tâm Thể thao Công an Thành phố HCM, ông Hjort bùi ngùi nhớ lại hình ảnh hơn 30 năm về trước nơi có hàng ngàn người con lai lưu trú chờ phỏng vấn trước khi định cư ở Mỹ.
Đó là những người con lai sinh ra ở Việt Nam, có cha là quân nhân Mỹ và mẹ là những người phụ nữ Việt Nam.
“Họ bị bỏ lại sau khi chiến tranh kết thúc và phải chịu đựng gian khổ”, ông Hjort nói với VOA.
Sau nhiều lần quay lại Việt Nam, ông Hjort nhận ra rằng cho đến nay, vẫn còn một số người con lai tại Việt Nam chưa tìm được cha. Và điều này khiến ông day dứt.
“Tôi vừa mới đi du lịch Việt Nam về và phát hiện ra rằng còn nhiều người con lai sót lại ở miền núi và vùng sâu vùng xa”, ông chia sẻ và cho biết thêm rằng nhiều người trong số họ không được học hành và bị mù chữ.
Thế là tổ chức phi lợi nhuận mang tên Father Founded của ông ra đời với văn phòng tại bang Georgia, Mỹ, và Đan Mạch, giúp họ hàn gắn nỗi đau bị chia cắt tình phụ tử.
“Câu chuyện của những người Mỹ lai là một ví dụ bi thảm về những gì đã xảy ra trong chiến tranh và chúng ta cố gắng hết sức để hàn gắn vết thương”, ông Hjort, một công dân Đan Mạch, hiện sinh sống tại Copenhagen, tâm sự.
“Chúng tôi chỉ cố gắng giúp đỡ mọi người trước khi quá muộn”, ông nói. “Những trợ giúp của Father Founded là hoàn toàn miễn phí”.
Nhóm Father Founded sử dụng xét nghiệm DNA cho những người ‘con lai’, sau đó, sử công cụ tìm phả hệ và cây gia phả để liên hệ với cha đẻ và/hoặc gia đình của họ.
“Tôi giúp quyên góp bộ dụng cụ xét nghiệm DNA và điều phối việc cung cấp những bộ dụng cụ đó cho những người muốn xét nghiệm miễn phí. Và sau khi có kết quả, tôi giúp xây dựng cây phả hệ để tìm ra cha của họ”, bà Angela Simmons-Jones, người làm việc trong ngành thư viện ở bang Georgia của Mỹ, nhưng tự nguyện hỗ trợ Father Founded trong nỗ lực tìm cha cho con lai Việt Nam, nói với VOA về công việc của mình.
Bà Jones cũng thường xuyên liên lạc với Trung tâm Lưu trữ Hồ sơ Nhân viên Quốc gia (NPRC) ở thành phố St. Louis, bang Missouri, để tìm dữ liệu cá nhân của quân nhân Mỹ, nhằm phục vụ cho công việc của mình. Nhưng với bà, điều khó nhất là các hồ sơ liên quan đến cựu quân nhân Mỹ gốc Phi, vì thường những hồ sơ này thiếu dữ liệu và khó thiết lập sơ đồ phả hệ. Ngoài ra, bà cũng sử dụng những công cụ hỗ trợ trực tuyến để “tạo dựng cây gia phả” như mạng Ancestry.
Tìm được cha
Vào tháng 9/2023, bà Văn Chi, một người con lai, cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ định cư với người cha ruột. Một năm trước đó, bà Văn Chi được gặp người cha ruột của mình tại Việt Nam, sau khi được ông Hjort hỗ trợ tìm kiếm.
Trong một video đăng trên trang YouTube của Father Founded, bà nói: “Tôi rất hạnh phúc. Đó là ước mong từ hồi nhỏ… nhưng cho đến bây giờ mới thành hiện thực”.
Ông Võ Thanh Hiền, một người con lai Mỹ, hiện đang sinh sống tại Tp.HCM, bày tỏ niềm vui trên Facebook khi tìm ra người cha đẻ ở bang Minnesota: “Tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình bền bỉ trong suốt gần 20 năm qua của ông Brian trong việc giúp tôi tìm kiếm cha ruột của tôi”.
Hiện không có thống kê chính thức về số lượng con lai Mỹ còn sót lại ở Việt Nam, nhưng theo ông Hjort con số này có thể lên đến vài trăm người.
Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện hai chương trình nhân đạo mà người con lai có thể nộp đơn để được định cư tại Hoa Kỳ – chương trình Amerasian Immigration Act (Luật nhập cư người Mỹ gốc Á) và chương trình Amerasian Homecoming Act (Luật người Mỹ gốc Á trở về nhà).
Trong chương trình Amerasian Immigration Act, đương đơn phải được sinh ra ở một trong các nước Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan hay Việt Nam; có ngày sinh trong khoảng từ 31/12/1950 đến trước ngày 22/10/1982 và có cha ruột mang quốc tịch Hoa Kỳ.
Theo thông tin từ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, chương trình Amerasian Homecoming Act dành cho những người sinh ra ở Việt Nam sau ngày 01/01/1962 và trước ngày 01/01/1976, có cha ruột mang quốc tịch Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều khoản quy định rằng phải chứng minh được một người là con của cha có quốc tịch Mỹ một điều kiện rất khó khăn, theo nhóm Father Founded.
Nguồn: VOA Tiếng Việt