Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa lên án việc chính quyền Việt Nam tuyên án tù ba năm rưỡi đối với nhà hoạt động Danh Minh Quang và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay cho ông.
“Chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã chà đạp một cách trắng trợn quyền tự do ngôn luận và trả thù một công dân chỉ vì người này nêu quan điểm độc lập về chính trị của mình trên mạng xã hội”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của HRW đưa ra lời chỉ trích trong một tuyên bố gửi đến VOA qua email hôm 10/2.
Ông Robertson kêu gọi cơ quan chức năng cần trả tự do ngay cho ông Danh Minh Quang và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.
“Quốc hội Việt Nam cần khẩn trương sửa đổi Bộ luật Hình sự và bãi bỏ các điều luật xâm phạm nhân quyền, trong đó có Điều 331 đang được chính quyền Việt Nam sử dụng một cách có hệ thống để xâm phạm quyền của dân thường trên khắp cả nước”, ông Robertson nhấn mạnh.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi của HRW, nhưng chưa được trả lời.
Như VOA đã đưa tin, một phiên tòa ở Sóc Trăng hôm 7/2 tuyên phạt ông Danh Minh Quang, một nhà hoạt động cho quyền của người bản địa Khmer Krom, 3 năm rưỡi tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Ông Quang bị bắt với cáo buộc này hồi cuối tháng 7/2023 cùng với hai nhà hoạt động khác là Thạch Cương và Tô Hoàng Chương.
Hồi tháng 5/2023, ông Quang nói với VOA rằng ông đã bị chính quyền sách nhiễu từ nhiều năm trước và liên tục bị “mời làm việc” về các bài viết của ông trên Facebook.
“Tôi bị đàn áp rất nhiều, từ 2019 đến bây giờ, tôi bị mời đi, bị hăm dọa, đánh đập… Tôi đã đăng những giấy mời này trên Facebook”.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho rằng ông Minh Quang có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân “để đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng”.
Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, ông bị cáo buộc đăng tải 51 bài viết, hình ảnh “với nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương”, theo Báo Sóc Trăng.
Trao đổi với VOA, nhà sư Khmer Trương Thạch Dhammo ở Toronto, Canada, lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam ba nhà hoạt động trên.
“Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do lập hội, đi lại và nhóm họp của người Khmer Krom bản địa”, ông Dhammo nói.
Nhận định về phiên tòa xét xử ông Quang, ông Trần Xa Rộng, ở Italy, phó chủ tịch thứ hai của Liên đoàn Khmer Krom (KKF), một tổ chức tranh đấu cho quyền của người bản địa Khmer Krom có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ, nói rằng bản án này bất công.
“Không biết đây là tòa án kiểu gì mà vừa trá hình mà vừa không đúng cách vì không cho người dân tham gia, không có luật sư bào chữa cho bị cáo…”. Ông nói thêm rằng việc xét xử này “nhằm để trả thù” ông Quang vì ông đã nói lên sự thật.
Như VOA đã đưa tin hồi tháng 3/2023, ông Danh Minh Quang và một nhóm các nhà hoạt động cho quyền của người bản địa Khmer Krom bị công an Sóc Trăng thẩm vấn vì tham dự sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và mặc áo thun có biểu tượng KKF, một tổ chức mà chính quyền Việt Nam tố cáo là một “tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức”.
Hồi tháng 3/2023 và sau phiên xử ông Quang, KKF ra tuyên bố tố cáo hành động sách nhiễu của chính quyền Sóc Trăng và kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền của người bản địa.
HRW dẫn thống kê năm 2019 cho biết có khoảng 1,3 triệu người Khmer Krom sinh sống ở Việt Nam, trong đó có hơn 360.000 người cư ngụ ở Sóc Trăng, chiếm khoảng 1/3 dân số của tỉnh.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Mỹ ghi nhận rằng có nhiều vụ xung đột giữa chính quyền địa phương và các nhóm Khmer Krom đòi quyền lợi của người bản địa và quyền tự do tôn giáo.
Mặc dù Việt Nam ủng hộ Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa (UNDRIP) có từ 2007, nhưng đến nay nước này vẫn không công nhận các dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer Krom, là người bản địa.
Nguồn: VOA Tiếng Việt