Chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác Việt Nam vừa khởi động dự án mới có giá trị gần 3 triệu USD nhằm bảo vệ sinh thái ven biển và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án trị giá 2,9 triệu USD do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ sẽ hoạt động nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và nghề cá ven biển, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng ven biển tại khu vực này, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết trong một thông báo hôm 15/3.
Tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam thông qua USAID cùng đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khởi động dự án Bảo tồn môi trường sống ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo truyền thông trong nước.
“Việc khởi động dự án ngày hôm nay góp phần thúc đẩy ưu tiên chung của chúng tôi với Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, nơi đóng vai trò rất quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương, đồng thời đóng góp vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”, Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs phát biểu tại sự kiện.
Thông qua dự án mới này, chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực ven biển, tăng cường công tác quản lý bền vững nguồn lợi biển nhằm giảm thiểu tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu cho các cộng đồng địa phương ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu.
Dự án được thực hiện phối hợp với các đối tác là các cơ quan trung ương của Việt Nam, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ban quản lý các khu bảo tồn biển, các đối tác phát triển và cộng đồng ngư dân, vẫn theo USAID.
ĐBSCL và các hệ sinh thái ven bờ là nơi tập trung của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam, nơi có môi trường thuận lợi để phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú. Tuy nhiên, những khu vực sinh cảnh này và nhiều loài thuỷ sản có giá trị thương mại quan trọng như cá vược và cá hồng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa gây tác động lâu dài đến sinh kế và cuộc sống nơi đây, theo thông tin từ của USAID.
Các đánh giá của USAID cho thấy khu vực ĐBSCL dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Người nông dân nơi đây phải đương đầu với những tác động như xâm nhập mặn và xói mòn đất. Mực nước biển dâng cao 1 mét theo kịch bản vào năm 2100 có thể nhấn chìm 40% diện tích ĐBSCL. Tương lai của khu vực ngày càng trở nên bất ổn hơn khi những người trẻ rời đi để tìm việc làm ở nơi khác.
Nhằm giải quyết những thách thức này, trong thời gian qua USAID hợp tác với Việt Nam trong nhiều dự án toàn diện nhằm tăng cường sức chống chịu ở khu vực có vai trò quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương.
Trước đó, hôm 14/3, phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua USAID, phối hợp với chính quyền tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khởi động một dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ, giúp mở rộng các dịch vụ phục hồi chức năng và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật cũng như cải thiện hoạt động phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ nhỏ.
Dự án này có ngân sách 1,15 triệu USD và được thực hiện bởi đối tác lâu năm của USAID là Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) trong thời gian từ năm 2023 đến tháng 10/2025.
Nguồn: VOA Tiếng Việt