TPHCM hôm 27/8 chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố khi các ca bệnh gia tăng nhanh chóng với hơn 500 ca nhiễm và 3 trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Tuổi Trẻ dẫn quyết định của UBND TP.HCM cho biết thời gian xảy ra dịch là tháng 8/2024 với quy mô trên toàn thành phố và nguyên nhân do vi rút sởi gây ra.
Dịch thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây qua đường hô hấp, và người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, đặc biệt là trẻ em. Người mắc bệnh có thể có biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Đây là lần đầu TPHCM công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này, theo Tiền Phong.
Quyết định công bố dịch được đưa ra theo kiến nghị của Sở Y tế TPHCM, sau khi thành phố này trở thành tỉnh thành có số ca mắc bệnh sởi cao nhất cả nước, với hơn 500 ca trong tổng số hơn 2.000 ca mắc bệnh trên toàn quốc kể từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam.
Ông Hoàng Minh Đức, cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế, cho biết từ cuối năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi thông báo về nhiều nước trên thế giới có số ca mắc sởi gia tăng và cảnh báo Việt Nam về dịch sởi có thể bùng phát.
Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam tại một hội nghị hôm 22/8 cho biết WHO đã hoàn tất việc mua sắm khẩn cấp hơn 1 triệu liều vaccine sởi – rubella để ứng phó với dịch bệnh và tiêm chủng tăng cường tại các khu vực có nguy cơ cao nhất của Việt Nam. Số vaccine được chính phủ Australia tài trợ thông qua WHO.
Đại diện WHO tại Việt Nam nói tình trạng hàng trăm nghìn trẻ em không được tiêm chủng từ năm 2021 đã tạo nên sự suy giảm chưa từng thấy trong tiêm chủng, và kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như: bạch hầu, ho gà đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh mẽ hiện nay, theo Sức Khoẻ & Đời Sống.
Bà Pratt khuyến nghị các khu vực có số ca mắc bệnh gia tăng nhanh chóng nên công bố dịch để có thể kích hoạt các phương án chống dịch kịp thời.
Hiện Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp với WHO và UNICEF tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi trên 18 tỉnh thành nằm trong nhóm nguy cơ bùng phát dịch, bao gồm các tỉnh thành như: TPHCM, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau…
Tại TPHCM, chiến dịch tiêm vaccine bổ sung sởi – rubella không kể tiền sử tiêm chủng vaccine này trước đó được thực hiện cho tất cả trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống tại thành phố.
Thành phố ước tính sẽ tiêm bổ sung vaccine sởi cho khoảng 517.250 trẻ theo hình thức tiêm tại trường học, trạm y tế, bệnh viện trong chiến dịch kéo dài từ tháng 7 đến 9/2024.
Các phụ huynh được khuyến cáo chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.
Nguồn: VOA Tiếng Việt