Một số nhà trí thức, nhà hoạt động nhận định rằng Nghị định 126/2024 về quản lý lập hội là một văn bản luật thể hiện rõ nhất “điểm nghẽn” trong thể chế chính trị của chính quyền cộng sản Việt Nam, đồng thời khuyến cáo Hà Nội phải ngay lập thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Từ “điểm nghẽn” được nhắc đến rộng rãi gần đây ở Việt Nam sau khi ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản có thực quyền quyết định nhiều nhất đối với đất nước, phát biểu hồi cuối tháng 10 rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Nhà thơ Hoàng Thụy Hưng, một thành viên của Văn đoàn Độc lập Việt Nam, chia sẻ với VOA rằng cản trở lớn nhất của nghị định nêu trên là các hội nhóm độc lập vĩnh viễn không có cơ hội được đăng ký với nhà nước.
“Mọi người có cảm tưởng việc ra đời nghị định này là có cái gì đó mới hơn, nhưng thật ra chẳng có gì hơn cả… Họ có một nguyên tắc căn bản nhất là khi hiện đã có một hội rồi thì không thể có một hội thứ hai cùng lĩnh vực. Ví dụ như trong lĩnh vực văn học đã có Hội Nhà văn Việt Nam rồi chúng ta không thể nào lập được hội nhà văn thứ hai”.
Sau khi Nghị định 126/2024 có hiệu lực vào ngày 26/11/2024, đến nay có rất nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng tố cáo, cho rằng nghị định này là một công cụ nữa giúp chính quyền càng quản lý chặt hơn không gian của xã hội dân sự vốn đã bị Hà Nội đóng kín, khẳng định quyết tâm đưa tất cả các hội nhóm vào tầm kiểm soát của đảng cộng sản cầm quyền.
“Văn đoàn Độc lập nghĩ rằng không bao giờ được phép thành lập. Không có mơ hồ chuyện đó đâu. Chúng tôi chỉ dùng tên gọi là “Ban vận động Văn đoàn độc lập” vì chúng tôi biết là không bao giờ được thành lập nếu như chưa có cải cách rất căn bản về thể chế”.
Trong phụ lục số 1 ban hành kèm Nghị định 126 dài 50 trang, chính phủ Việt Nam liệt kê 30 hội do “Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, được xem là hội “độc nhất” trong các ngành, nghề và như vậy nhà chức trách sẽ không cho phép thành lập một hội thứ hai cùng ngành.
Ban vận động Văn đoàn độc lập được ra mắt từ năm 2014 nhưng ngay sau đó bị trang Công An Nhân Dân của Bộ Công an tố cáo là những người “khoác áo nhân sĩ giở trò phỉ báng lịch sử” để “hiện thực hóa mưu đồ chống Đảng, chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước”. Điều này đã bị các thành viên trong Ban vận động Văn đoàn độc lập bác bỏ.
Nghị định 126 liệt kê 7 điều kiện thành lập hội, trong đó có: “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”, “có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội”.
“Với 7 tiêu chí như vậy thì đại đa số người dân Việt Nam không có khả năng để thực hiện quyền tự do lập hội của hội”, luật sư Nguyễn Văn Đài ở Đức chia sẻ góc nhìn của ông với VOA.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà sáng lập của Hội Anh em Dân chủ, nêu nhận định rằng từ nhiều năm qua chính quyền đã trấn áp và dập tắt các hoạt động của hội vì cho rằng đây là “một tổ chức chính trị” và Nghị định 126/2024 sẽ là một rào cản rất lớn kể cả đối với các hội nhóm phi chính trị.
“Rõ ràng là họ muốn tạo ra khó khăn, rào cản cho người dân Việt Nam để không thể nào được quyền tự do thành lập hội theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp 2013”.
Luật sư Đài đưa ra quan điểm rằng ở một xã hội lành mạnh, người ta đề cao vai trò của tổ chức xã hội dân sự. “Khi họ tạo ra khó khăn cho người dân trong việc thành lập hội thì đó rõ ràng là điểm nghẽn cho một xã hội ‘tự do, dân chủ, công bằng, văn minh’ mà những người cộng sản thường rao giảng. Rõ ràng là họ đi ngược lại những gì mà họ nói”.
Một nhà hoạt động trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, không nêu tên vì lý do an ninh, viết cho VOA rằng “điểm nghẽn” của Nghị định 126 chính là một “bước lùi rất lớn” về quyền lập hội, vốn đã được nêu trong Hiến pháp của Việt Nam, Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, và tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.
“Nhà nước ra nghị định này để siết chặt khả năng lập hội, khả năng vận động tài chính của hội, khả năng vận động chính sách của các hội và xã hội dân sự; khả năng hoạt động độc lập của hội; và khả năng hình thành các tổ chức đối lập”, nhà hoạt động này nhận xét.
Giới hoạt động nhận định rằng việc quy định các hội đoàn hiện có của nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, các hội nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, hay các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức lao động tại doanh nghiệp… không bị điều chỉnh bởi nghị định này là một sự phân biệt đối xử.
Ông Trần Anh Quân ở Thái Lan đánh giá rằng các tổ chức nói trên nhận được đặc ân và ngân sách của nhà nước để nhằm “bảo vệ đảng”, trong khi các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước bị đàn áp và sách nhiễu liên tục như Hội Nhà báo Độc lập, Văn đoàn Độc lập, Hội Anh em Dân chủ… và đó là một nghịch lý.
“Có cảm giác là khối xã hội dân sự không còn tồn tại ở Việt Nam! Nghị định 126 này ra đời tiếp thêm một bước nữa nhằm xóa sổ khái niệm hội nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam”.
Ông Quân lý giải: “Đảng Cộng sản rất sợ người dân tập hợp thành một tổ chức bài bản vì họ cho rằng đó sẽ là một tiền đề trở thành lực lượng đối lập với nhà cầm quyền”.
Tổ chức CIVICUS có trụ sở ở Nam Phi vào tuần trước kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy một môi trường an toàn, tôn trọng và thuận lợi cho xã hội dân sự, bao gồm cả việc loại bỏ các biện pháp pháp lý và chính sách hạn chế quyền tự do lập hội “một cách vô căn cứ”.
“Họ nên bắt đầu bằng việc bãi bỏ Nghị định 126 và thay vào đó thông qua luật hoặc các quy định phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên”, ông Josef Benedict, nhà nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS, đưa ra đề xuất.
CIVICUS cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nêu quan ngại về nghị định này trong quá trình tham gia, đàm phán thương mại và đối thoại nhân quyền với Việt Nam.
Trong tuần qua, VOA đã nhiều lần liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị đưa ra bình luận về những chỉ trích của giới hoạt động và nhân quyền quốc tế đối với Nghị định 126/2024, nhưng chưa được phản hồi.
“Ở những quốc gia có dân chủ và tôn trọng quyền con người, hiến pháp cho phép việc thành lập hội đoàn và cho nó là một quyền căn bản của con người”, nhà hoạt động Helena Hương Nguyễn ở Đan Mạch nói. “Thí dụ như tại các nước EU, người dân có thể thành lập một hội đoàn với tối thiểu 2-3 thành viên trở lên, mà không cần phải đăng ký và xin phép. Chỉ khi nào cần có quyền lợi ích tài chính và pháp lý, thì mới cần đăng ký, và cần nội quy quy định rõ ràng mục đích và quyền lợi của hội viên”.
Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận BPSOS ở bang Virginia, Mỹ, chia sẻ với VOA về điểm khác biệt giữa việc lập hội nhóm ở Mỹ và các thủ tục rườm rà theo Nghị định 126 của Việt Nam.
“Chúng tôi có kinh nghiệm giúp cho khoảng 60 tổ chức bất vụ lợi hình thành tại Hoa Kỳ. Theo luật Mỹ, người dân Mỹ có quyền lập hội bất kỳ lúc nào và không cần thông báo với chính quyền”.
“Chỉ cần thông báo với chính quyền nếu như muốn hưởng một số lợi ích, ví dụ như mở trương mục ngân hàng, được khai miễn thuế, người đóng góp tiền thì được miễn trừ thuế… và thủ tục đăng ký chỉ trong vòng 20-30 phút, chứ không phải đi qua hàng tầng tầng lớp lớp như quy định trong nghị định 126”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt