Trả lời báo giới về câu hỏi liệu Việt Nam có ý định gia nhập khối BRICS hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 9/1 nói rằng Việt Nam luôn “nghiên cứu và xem xét” việc tham gia các cơ chế quốc tế “dựa trên điều kiện và khả năng” của đất nước. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc Hà Nội được cho là muốn trì hoãn việc gia nhập BRICS để cân bằng quan hệ với Mỹ dưới chính quyền Trump.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 9/1, khi được hỏi về ý định gia nhập BRICS của Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng lưu ý, với tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương.
“Việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và quốc tế thì luôn được nghiên cứu và xem xét trên cơ sở phù hợp với đường lối đối ngoại, cũng như điều kiện và khả năng của Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh, theo Cổng thông tin Chính phủ.
Hôm 7/1, Indonesia chính thức gia nhập BRICS, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á gia nhập khối có 10 thành viên do Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sáng lập vào năm 2009.
Đến nay, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã trở thành đối tác chính thức của BRICS.
Khối BRICS hiện chiếm hơn một nửa dân số thế giới và hơn 41% GDP toàn cầu, tính theo sức mua tương đương (PPP).
Được dẫn đầu bởi Trung Quốc và Nga, khối BRICS được giới quan sát và chính trị gia xem là một đối thủ địa chính trị lớn của G7, tập hợp bảy nền kinh tế phát triển hàng đầu của phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Hồi tháng 10/2024, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS (BRICS+) mở rộng tại thành phố Kazan của Nga theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS vào năm 2024, được kỳ vọng sẽ tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên trong khối, đặc biệt là nước chủ nhà Nga.
Vài ngày sau đó, Việt Nam cho biết sẽ “nghiên cứu” cơ chế của BRICS, khi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng BRICS với một danh sách “các quốc gia đối tác”, trong đó có Việt Nam.
BRICS ngày càng được coi là đối trọng với phương Tây, với mục tiêu chính là “phi đô la hóa” trong thương mại quốc tế. Nhiều thành viên của khối còn cáo buộc Washington sử dụng đồng đôla Mỹ làm công cụ chính trị và nhóm này đã đề xuất một đồng tiền chung.
Kể từ cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11 đến nay, Tổng thống đắc cử Donald Trump thường dọa áp thuế 100% đối với các quốc gia BRICS nếu họ thay thế đồng đôla Mỹ trong thương mại quốc tế.
Trang SCMP hôm 3/1 dẫn lời các chuyên gia nói rằng việc Việt Nam trì hoãn gia nhập BRICS phản ánh sự cân bằng giữa việc tăng cường quan hệ với Mỹ và lợi ích tiềm tàng của việc liên kết với một khối được coi là đối trọng của Mỹ.
Trang này dẫn lời ông Alexander Vuving, giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii, cho biết sự do dự của Việt Nam xuất phát từ “mối quan hệ mong manh” của Hà Nội với Washington.
“Việt Nam thận trọng không dập tắt cơ hội này bằng cách gia nhập nhóm mà Mỹ cho là không thân thiện”, ông Vuving nói. “Trong tính toán chiến lược của [Hà Nội], vị thế là quốc gia đối tác BRICS của Hà Nội phải được cân nhắc với mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ”.
Ông Muhammad Faizal Bin Abdul Rahman, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết Việt Nam có thể đang xem xét liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump sẽ áp dụng những chính sách nào đối với BRICS.
Ông Faizal cho biết: “Đây có thể là một vấn đề đau đầu về mặt chính sách đối với Việt Nam, quốc gia đã đồng ý tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng với Mỹ”, đặc biệt là trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện được hình thành vào năm 2023, vẫn theo trang SCMP.
Nguồn: VOA Tiếng Việt